Vịnh Hạ Long không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ ảo mà hải sản của Vịnh Hạ Long cũng mang hương vị đặc biệt rất quyến rũ trong đó phải kể đến món ăn được nhiều người biết tới đó là Chả mực Hạ Long.
Người Hạ Long xa quê ai mà không nhớ những chiều hè cùng bạn bè đạp xe dọc theo con đường ôm lấy bờ Vịnh Hạ Long ngắm những chùm hoa phượng đỏ ối, những bữa cơm “cải thiện” sum họp gia đình mà đĩa chả mực thơm lừng nóng hổi được đặt trịnh trọng giữa mâm cơm.
Những buổi sáng mùa đông giá rét, hôm nào sang lắm thì được mẹ nắm cho nắm xôi trắng tinh kèm miếng chả mực vàng tươi mà chỉ dám ăn dè vì sợ nó chóng hết, những kỷ niệm nho nhỏ nhưng đáng nhớ biết bao của những người đã từng sinh ra và lớn lên ở Hạ Long.
Mực được đánh bắt trong vùng Vịnh Hạ Long thường rất dày và có hương vị thơm ngon đặc biệt không hề lẫn với hương vị mực của các địa phương khác.
Mực tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, chiên, xào, tẩm bột rán, nhồi thịt… nhưng món thông dụng và ngon người ta vẫn nhắc đến là chả mực.
Làm chả mực không khó, ai cũng có thể làm được, nhưng để làm được miếng chả mực tươi ngon cũng không đơn giản.
Cách làm chả mực
Khi làm chả mực người ta thường chọn những con mực to vừa mới bắt từ biển lên còn tươi sống, lớp thịt thật dày, trên lưng nó còn những vân nhỏ mầu ghi luôn luôn chuyển động như những làn sóng, chả mực ngon quyết định đến 99% vào chất lượng con mực được chọn.
Mực được bỏ từng miếng một vào cối và giã hơi dối (chỉ đủ nhuyễn để nặn chả) chứ không giã kỹ như giã giò lụa, những phần giã nhuyễn lẫn với phần miếng giã chưa kỹ sẽ làm miếng chả mực giòn hơn và khi ăn cho ta sự cảm nhận rất thú vị, phần vây mực xắt ngắn chỉ giã thật dối rồi trộn lẫn vào thịt mực.
Khi giã ta cho một chút hạt tiêu đã xay nhỏ và vài nhánh tỏi vì làm như vậy mới có thể trộn đều các gia vị trên vào thịt mực đã giã, nếu khi giã xong mới trộn thì thịt mực như một chất keo dính rất khó trộn đều gia vị.
Mực giã xong cho có thể cho thêm một chút hành băm nhỏ, một chút mắm nguyên chất, vài thìa mỡ nước hoặc mỡ xay trộn đều để hỗn hợp thấm đều gia vị trong khoảng 30 phút.
Chả mực rất kén lửa cũng tương tự như rán phồng tôm vậy.
Dùng chảo sâu lòng có chiếc ghi kim loại được gác lên miệng chảo để những miếng chả rán được róc dầu ăn, đổ nhiều dầu bắc lên bếp để dầu nóng dần dần. Lấy một bát nước lã hoặc một chút dầu ăn xoa tay cho khỏi dính và nặn chả, dùng thìa xúc thịt mực nặn chả.
Chả to hay nhỏ tuỳ ý người làm nhưng thường nặn vo tròn bằng quả bóng bàn và ấn dẹt, khi dầu đã nóng thả miếng thịt mực đã nặn vào rán và lật đều.
Lửa cho món chả mực không quá to nhưng cũng không quá nhỏ, chả mực rất kén lửa cũng tương tự như rán phồng tôm vậy.
Thịt mực tươi ngon thì ngay phút đầu thả mục vào nó đã toả mùi thơm nức mũi rất quyễn rũ, khi chả chín tới vàng tươi thì lấy ra đặt lên ghi cho ráo dầu.
Chả mực Hạ Long ăn với xôi trắng hay bánh cuốn sẽ rất ngon, nếu muốn chấm với nước chấm thì tốt nhất vẫn là mắm nguyên chất thả thêm chút hạt tiêu.
Chả mực ăn với xôi trắng đồ từ gạo nếp cái hoa vàng, hạt mềm thơm, hơi khô, trắng tinh khiết quyện với miếng chả mực vàng ruộm vừa béo vừa bùi, vừa mềm vừa giòn lại ngọt lịm, vị thơm lan toả trong miệng khó mà cưỡng lại được, đảm bảo ai ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Chả mực Hạ Long đã trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng được nhiều khách du lịch và người sành ẩm thực tìm đến.
Chả mực Hạ Long cũng là một món ăn không thể thiếu ở những cỗ cưới sang trọng hoặc những bữa tiệc đón khách phương xa, nó đã chiếm được cảm tình của tất cả những người đã từng một lần thưởng thức nó.
Ngày nay rất nhiều địa điểm sản xuất chả mực ở thành phố Hạ Long, khu vực chợ Hạ Long 1 có vài “xưởng” chuyên sản xuất chả mực phục vụ cho nhu cầu của nhân dân thành phố và bán cho các tỉnh thành lân cận, chả mực Hạ Long đã theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước.